Tên thật: | Nguyễn Thành Châu |
Nghệ danh: | Năm Châu |
Năm sinh: | 1906 |
Quê quán: | Tiền Giang, Việt Nam |
Thế hệ: | Thế hệ trước năm 1950 |
Nghệ sĩ Năm Châu (soạn giả Năm Châu) tên thật Nguyễn Thành Châu, sinh ngày 9 tháng 1 năm 1906, tại tổng Thuận Trị, làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Thân phụ của ông là một công chức Tòa Bố, tỉnh Mỹ Tho, vì làm mất lòng Tỉnh trưởng nên bị thuyên chuyển ra làm việc ở đảo Phú Quốc, tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang).
Lúc Năm Châu học năm thứ hai Ban Thành Chung (bằng thành chung) trường Trung học Mỹ Tho, nhân dịp nghỉ hè, ông ra Phú Quốc thăm cha. Đến ngày tựu trường, vì bão tố, tàu bè không trở về đất liền kịp ngày nhập học, ông bị trễ nên bị cúp học bổng và bị đuổi. Gia đình định cho ông tiếp tục học ở trường Taberd, nhưng ông quyết định tự lập, theo nghiệp cầm ca, gia nhập gánh hát thầy Năm Tú năm 1922.
Từ năm 1922-1924, ông hát cho đoàn hát thầy Năm Tú, diễn các tuồng Bùi Kiệm Nguyệt Nga, Trang Tử thử vợ, Thúy Kiều – Kim Trọng, Lục Vân Tiên.
Từ năm 1925 -1928, nghệ sĩ Năm Châu tham gia đoàn hát Tái Đồng Ban của ông Bầu Hai Cu, chủ tiệm vàng ở Mỹ Tho.
Đại đa số đào kép mà ông bầu Hai Cu quy tụ dưới bảng hiệu Tái Đồng Ban là dân Mỹ Tho, trước đó là người đã cộng tác với gánh Nam Đồng Ban, cũng do ông làm bầu. Vì con trai của ông Hai Cu là kép chính Hai Giỏi chết, Hai Giỏi là người chồng đầu tiên của nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ. Khi Hai Giỏi bị bệnh mất, cô Năm Phỉ buồn quá, bỏ gánh hát mà đi nên ông Hai Cu cho tan rã gánh hát Nam Đồng Ban. Năm sau, ông lấy xác gánh Nam Đồng Ban, thành lập Tái Đồng Ban với thành phần đào kép như: Phùng Há, Ba Nhàn, Ba Liên, Ba Điều, Tư Nhỏ, Sáu Trâm, Sáu Tỵ, và Năm Châu, Tám Mẹo, Ba Du, Tư Út, Từ Anh, Hai Ngởi, Hai Bông, Bảy Nhiêu, Tư Thới. Tư Chơi - Huỳnh Thủ Trung gia nhập Tái Đồng Ban với tư cách là nhạc sĩ đàn đoản.
Sáu Trâm thủ vai Bạch Thu Hà và Năm Châu vai Võ Đông Sơ trong tuồng Giọt máu chung tình, là cặp đào kép ăn khách nhất lúc bấy giờ. Cô Sáu Trâm là người Hoa lai Việt (Triều Châu), quê ở Thốt Nốt, Long Xuyên. Sáu Trâm ca, diễn theo lối hát Tiều, ảnh hưởng cũ của gánh hát Tập Ích Ban, nhiều động tác tượng trưng "tả ý" như lối hát bội. Năm Châu phải chỉ dẫn, tập luyện lại cho Sáu Trâm để khi ca, diễn chung ăn ý với nhau.
Khi Năm Châu và Sáu Trâm trở thành cặp đào kép diễn xuất ăn khách nhất thì mối tình đầu nảy nở, Năm Châu và chị Sáu Trâm trở thành cặp vợ chồng xứng lứa vừa đôi nhất trong giới nghệ sĩ cải lương lúc bấy giờ.
Lúc đó, trong Tái Đồng Ban, cô Phùng Há ca diễn và sắc vóc đẹp hơn cô Sáu Trâm nên vô tình đẩy cô Sáu Trâm xuống hàng “đào nhì”. Năm Châu lại tỏ ra quá quyến luyến, chỉ lo dạy cho cô Phùng Há nên cô Sáu Trâm ghen, buồn duyên tủi phận, âm thầm rời gánh hát đột ngột. Năm Châu và nhiều bạn bè của anh đổ xô đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không tìm thấy.
24 năm sau, có người gặp lại cô Sáu Trâm ở Thốt Nốt, cô tâm sự: “Lúc đó tôi ghen quá trở về quê nhà ở Long Xuyên, cũng có ý đợi ảnh xuống rước trở lên gánh hát. Nhưng rồi ảnh mê sân khấu hơn vợ nhà. Ảnh theo gánh hát miết. Tôi cũng không thể tự mình trở lại gánh hát thành ra tôi ở với má tôi. Khi biết anh Năm Châu sống chung với cô Tư Sạng và có với nhau một đứa con, tôi trở lại nghề hát trong lòng nuôi ý định là sẽ hát hay hơn chị Phùng Há hay cô Tư Sạng, đó là vì tự ái nghề nghiệp và cũng là cái ý ganh tỵ của một người đàn bà, muốn làm cho mình đẹp hơn, giỏi hơn tình địch của mình.
Tôi đi theo gánh hát Văn Hí Ban, rồi gia nhập lại gánh hát Tập Ích Ban 2, nhưng tôi càng ngày càng hiểu rõ là khi một người đàn ông đã bỏ vợ, có thêm một người vợ khác đẹp hơn, giỏi hơn người vợ cũ thì người cũ khó bề giành lại được chồng mình. Nhất là trong nghề ca hát, nếu không có thầy tuồng nâng đỡ, dìu dắt, không có bạn đồng diễn đồng sắc, đồng tài thì diễn viên khó có thể thành công lớn. Nghĩ vậy nên tôi giải nghệ, không theo gánh hát nữa, tôi trở về Long Xuyên, giúp má tôi trong việc buôn bán”.
Tình cảm giữa đôi diễn viên trai tài gái sắc Năm Châu - Phùng Há vừa chớm nở thì ông thầy đờn kiêm soạn giả Tư Chơi đến trước một bước, ông sống chung với cô Phùng Há và có đứa con gái đầu lòng năm 1927, đặt tên là Bửu Chánh. Hai năm sau, cuộc tình duyên này tan rã, ông Tư Chơi rời gánh hát Tái Đồng Ban, cô Phùng Há về Hạc San bên Tàu thăm quê nội, gởi con gái Bửu Trân cho em ruột của cô là Trương Liên Hảo dưỡng nuôi.
Do Phùng Há gá nghĩa với Tư Chơi, nên năm 1928 Năm Châu sánh duyên cùng cô Tư Sạng, khi 2 người đang cùng hoạt động trong gánh hát Tái Đồng Ban, họ có 5 người con:
Từ năm 1929 đến năm 1932, thời gian nghệ sĩ Năm Châu cộng tác với gánh hát Huỳnh Kỳ, ông đã sáng tác các tuồng Tội của Ai, Ngọn Cờ Hiệp Sĩ, (1927), Tiếng Nói Trái Tim (1928 ), Bằng Hữu Binh Nhung (phóng tác theo Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas fils), Hồn Chinh Phụ (1930), Mộng Hoàng Công Chúa, sau đổi tựa là Huyền Châu Nữ, hai vở nầy hợp soạn với soạn giả Tư Trang, Túy Hoa Vương Nữ, phóng tác theo truyện Marie Tudor của Victor Hugo và hai vở kịch Tố Hoa Nương, Đêm Không Ngày. Vở Đêm Không Ngày sau viết thành tuồng cải lương Đêm Dài Vô Tận.
Năm 1932, Năm Châu gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông Bầu kiêm đại điền chủ Trần Đắc Nghĩa ở Cần Thơ. Sau đó Phùng Há cùng gia nhập gánh hát này.
Trên sân khấu Trần Đắc, trong khi soạn giả Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi) tiếp tục sáng tác những vở tuồng tình cảm xã hội như Khúc Oan Vô Lượng, Lở Tay Trót Đã nhúng chàm, Tôi Xin Chừa, Hai Mặt còn Trơ, Ai Là Bạn Chung Tình, Em Muốn Tự Do,... thì soạn giả Nguyễn Thành Châu tức nghệ sĩ Năm Châu mở một hướng sáng tác mới. Anh tung ra một loạt tuồng phóng tác theo các tiểu thuyết nổi tiếng hay các vở kịch kinh điển của văn học Pháp như Giá Trị và Danh Dự (phóng tác Le Cid của Pierre Corneille), Bằng Hữu Binh Nhung (Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas fils), Áo Người Quân Tử (L’homme en habit), Túy Hoa Vương Nữ (Marie Tudor của Victor Hugo), Miếng Thịt Người (Le marchand de Venise), Gió Ngược Chiều (Ruy Blas), Tơ Vương Đến Thác (La dame aux camélias), ...
Năm 1935, ông Ngô Văn Mạnh (Năm Mạnh) thành lập hãng đĩa ASIA. Ông Năm Mạnh ký giao kèo độc quyền với cô Tư Sạng và đã tung ra thị trường bộ đĩa tròng kim nhũ chữ đen với nhan đề là Trảm Trịnh Ân, Đào Tam Xuân báo phu cừu do các danh ca Tư Xe và Tư Sạng ca. Năm 1937, cô Tư Sạng bỏ Năm Châu về với ông Năm Mạnh.
Tháng 3 năm 1946, nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp gồm Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Tư Út, Từ Anh, Hai Tiền, Ba Thâu, Sáu Ngọc Sương lấy xác gánh Nam Phương để thành lập “Nhóm Con Tằm”. “Nhóm Con Tằm” thu hút thêm nhiều nghệ sĩ tài danh như Bảy Nhiêu, Năm Nở, Tư Chơi, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Thoa, Kim Cúc, Kim Lan,...
Người vợ thứ ba của Năm Châu là nữ nghệ sĩ Kim Cúc, con gái lớn của nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu, là người vợ cuối của Năm Châu từ năm 1948 cho đến ngày ông qua đời năm 1978.
Nghệ sĩ Năm Châu và Kim Cúc có sáu người con:
Năm 1948, nghệ sĩ Năm Châu thành lập Ban Việt Kịch Năm Châu. Nữ nghệ sĩ Kim Cúc, dưới bàn tay phù thủy của đạo diễn Năm Châu, đã làm rung động trái tim của khán giả hâm mộ qua các vai: Nữ hoàng Túy Hoa trong tuồng Dân chúng trước pháp trường, vai cô Bê trong tuồng Khi người điên biết yêu, vai Hoàng hậu trong tuồng Gió ngược chiều, vai Tây Thi trong Tây Thi - Gái nước Việt, vai Hoàng hậu trong tuồng Hàm Lệ, Thái Tử nước Đan Mạch, vai vợ người chiến binh trong vở Người mặt cháy, ...
Từ năm 1962, Năm Châu được mời làm giáo sư kịch nghệ của trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, sau đó Kim Cúc, Duy Lân, Năm Nở, Ngọc Ánh và nhạc sĩ Hai Khuê, Sáu Tửng, cũng được mời làm giáo sư giảng dạy tại trường này.
Đọc lại bài của soạn giả Nguyễn Phương viết về Sáu mươi năm mối tình dang dở của đôi nghệ sĩ tài danh Phùng Há - Năm Châu:
"Ngày anh Năm Châu mất, cô Bảy hay tin chạy vào nhà thương, vấp té liên hồi. Chúng tôi phải chạy ra đỡ, dìu cô vào. Cô khóc, nắm vai anh Năm Châu lay gọi, như muốn vực anh Năm dậy: "Khoan, anh khoan đi. Anh có nghe không? Anh phải nghe tôi nói rồi mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng. Sở dĩ tôi làm vậy là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ này, tới giờ phút này, tôi vẫn yêu anh".
Cô Bảy khóc ngất, nói như mê sảng với người tình xưa mà không nhớ là xung quanh cô lúc đó có rất nhiều người, có cả chị Kim Cúc là người vợ đương thời của anh Năm Châu. Chị Kim Cúc vỗ về cô Bảy: "Chị Bảy, trước khi xuôi tay nhắm mắt, ảnh còn gọi tên chị, hỏi chị ở đâu...". Kim Cúc không thể nói nhiều hơn nữa, vì cô Bảy đã ôm chị mà khóc ngất. Phải có những tâm hồn đồng điệu mới giữ được mối tình hàng nửa thế kỷ chưa phai. Phải có tâm hồn cao cả mới biết yêu và nén hờn ghen, chia sẻ nhau nỗi đau và an ủi cả người tình địch của mình như chị Kim Cúc đã làm.”
Nghệ sĩ Năm Châu qua đời 1977, thọ 72 tuổi. An táng tại nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp, sau đó vài năm, các con của Năm Châu bốc mộ phần, cải táng tại xã Phú Kiết, tỉnh Tiền Giang.
Năm 1988, cố soạn giả - nghệ sĩ Năm Châu được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân (Đợt 2, phong tặng sau khi qua đời) lĩnh vực cải lương.
Tham khảo: Huỳnh Ái Tông (Tìm hiểu về cải lương)
Chiều nay mưa trên phố Huế. Kiếp giang hồ không bến đợi. Hạt mưa rơi vẫn rơi rơi hoài. Cho lòng nhớ ai.