Tên thật: | Nguyễn Ngọc Thanh |
Nghệ danh: | Yên Lang |
Năm sinh: | 1940 |
Quê quán: | Bạc Liêu, Việt Nam |
Thế hệ: | Thế hệ 1950 - 1975 |
Soạn giả Yên Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1940 tại Giồng Me, Cầu Kè, Bạc Liêu, nay thuộc phường 2, thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu, Việt Nam.
Năm 1955 ông rời quê lên Sài Gòn. Khi đang học tại Trường Trung học Tân Thịnh ở Sài Gòn, ông đã gặp nhà thơ Hoài Ngọc và ký giả Phong Vân, những người được cho là đã khuyến khích ông dấn thân vào công việc sáng tác cải lương sau này, dù ông từng rất đam mê thơ văn và từng mong muốn trở thành một nhà thơ. Ông từng tham gia làng văn nghệ Sài Gòn với tư cách là một người làm thơ. Với bút danh Huyền Thanh Huyền, Yên Lang đã từng viết văn, làm thơ cho tuần báo Tầm Nguyên và báo Nhân Loại.
Theo một số nguồn, khi học trung học, Yên Lang đã sáng tác vở kịch nói Đường lên ải Bắc trong niên học đầu tiên, khiến ông được chọn làm học sinh giỏi và đã được tham dự trại hè Đà Lạt cùng với hai học sinh khác.
Năm 1960, vở tuồng đầu tiên của ông viết chung với soạn giả Nguyễn Liêu mang tên Nắng chiều lên cổ tháp ra đời và được dàn dựng bởi đoàn Song Kiều. Vở thứ hai của ông là vở Bếp lửa chiều ly biệt do đoàn Bạch Vân dàn dựng, cũng viết chung với Nguyễn Liêu. Vở thứ ba của ông là vở Đường về quê ngoại do ông tự sáng tác, được đoàn Song Kiều biểu diễn, đã gây ra tiếng vang lớn. Yên Lang cho rằng ông đã bắt đầu sự nghiệp từ năm 1960.
Năm 1963, khi bị tuồng cải lương Đường về quê ngoại cuốn hút, ông bầu Long của đoàn Kim Chung đã chú ý đến Yên Lang và đã hẹn gặp ông tại văn phòng Kim Chung ở Sài Gòn để bàn việc cộng tác khi hai đoàn hát đang cùng diễn tại Tuy Hòa, Phú Yên, đoàn Kim Chung hát ở rạp Diên Hồng và đoàn Song Kiều, tức đoàn Yên Lang đang làm việc, lúc đó hát ở rạp Nhạn Tháp.
Tháng 6 năm 1963 đoàn Song Kiều về hát tại rạp Biên Hùng, Biên Hòa, Yên Lang trở về Sài Gòn thăm cô mình và đã đến văn phòng Kim Chung để gặp ông bầu Long, tại đây Yên Lang được ông bầu thuyết phục và đã đồng ý làm soạn giả thường trực của đoàn. Chỉ sau đó vài tháng thì đoàn Song Kiều tan rã. Tuồng Đường về quê ngoại được ông đổi thành Manh áo quê nghèo sau khi làm soạn giả thường trực cho đoàn cải lương Kim Chung, và vở tuồng này đã được khán giả yêu cầu đoàn Kim Chung diễn lại nhiều lần. Đây cũng là kịch bản cải lương đầu tiên của ông được diễn trên sân khấu Kim Chung và đã được trình diễn liên tục trong một tháng tại rạp Olympic ở đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Yên Lang đã là soạn giả thường trực cho đoàn Kim Chung từ năm 1963 đến cuối tháng 4 năm 1975.
Năm 1963, ông bắt đầu nổi tiếng với những tuồng cải lương thuộc thể loại "kiếm hiệp kỳ tình", là thể loại rất được yêu thích tại Việt Nam trong những năm 1960, 1970. Ông từng là soạn giả của các đoàn Song Kiều, Bạch Vân, Việt Nam Minh Vương, Kim Chung, Dạ Lý Hương, Việt Nam, Du Sĩ Ca Quốc Trầm... và lâu nhất là với đoàn Kim Chung. Nhiều nghệ sĩ cải lương đã nổi tiếng vì những vở tuồng của ông.
Ngoài sáng tác, ông còn đào tạo cho nhiều người khác, như soạn giả Nguyên Thảo là em ruột của ông, tác giả của Kiếp nào có yêu nhau, và Lam Tuyền, người chuyển thể Lá sầu riêng, là con trai ông.
Ông kết hôn với Kiều Oanh, là đào chánh và là con gái của ông bầu đoàn Song Kiều là Năm Thành và bà Chín Điệp trong thời gian làm soạn giả cho đoàn Song Kiều. Đám cưới của hai ông bà được tổ chức tại rạp Chung Bá, nay là rạp Cao Văn Lầu, rước dâu rồi về nhà tại Giồng Me, Cầu Kè, Bạc Liêu. Theo một nguồn thì nghệ sĩ Kiều Oanh, tên thật là Trần Thị Kiều Oanh, là con ruột của ông bầu gánh Chấn Hưng, nhưng từ khi còn nhỏ bà đã được ông bầu đoàn Song Kiều nhận làm con nuôi, khiến Yên Lang trở thành rể của hai ông bầu của hai gánh hát nổi tiếng đương thời.
Vốn là sĩ quan trong ngành Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, Yên Lang đã bị đưa đi cải tạo trong 6 năm, năm 1995 cả gia đình ông đến định cư ở Hoa Kỳ diện HO, theo báo Thanh Niên thì ông phải xuất ngoại "vì manh áo chén cơm". Ban đầu ông định cư ở Atlanta, Georgia, sau lại chuyển về San Diego, California. Khi được Tường Dũ, Tô Kiều Phương, Nhật Hồng... khuyến khích, ông cùng với vợ đã chuyển về sống tại Sài Gòn Nhỏ.
Ông đã sáng tác nhiều kịch bản cải lương nổi tiếng như: Bão biển, Bão cát, Băng Tuyền nữ chúa, Bếp lửa chiều ly biệt, Cuối mùa lá rụng, Đêm lạnh chùa hoang, Đường về quê ngoại, sau là Manh áo quê nghèo, Hỏa Sơn thần nữ, Khi trời lạnh sương khuya, Máu nhuộm sân chùa (Pháo hồng tiễn bước em đi), Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Nắng chiều lên cổ tháp (1960), Nắng thu về ngõ trúc, Người phu khiêng kiệu cưới, Ngựa hoang về núi, Nhất kiếm bá vương, Thủ lĩnh Cốc Sơn, Tình bằng hữu, Tình hận trên băng hồ, Tây Thi.
Sáng tác sau năm 1975:
Sáng tác chung với các soạn giả khác:
Các tuồng cải lương do ông sáng tác được đánh giá là có cốt truyện "hấp dẫn", bố cục gọn gàng và hợp lý. Các kịch bản của ông thường dùng những từ ngữ bình dân và dễ hiểu, không cầu kỳ, dễ hát và dễ thuộc. Đa số các kịch bản của Yên Lang đều thuộc thể loại kiếm hiệp, hương xa.
Do ruột bị biến chứng và suy thận, Yên Lang đã qua đời tại Bệnh viện Garden Grove, California vào lúc 8 giờ 55 phút ngày 5 tháng 6 năm 2017, sau một thời gian hôn mê sâu. Thọ 77 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà quàn Peek Funeral Home, khu Bolsa, thành phố Wesminster, California rồi hỏa táng./.
Tham khảo: Huỳnh Ái Tông (Tìm hiểu về cải lương)
Bảo Xuyên ơi! Đêm nay giữa canh trường cô liêu. Ta gối đầu trên đá thèm giấc mơ yêu. Nếu biết ngày nay phải nát ruột chia xa thì xưa kia đừng bao giờ mình gặp gỡ. Chén rượu ngày xưa không ngọt ngào tình nghĩa thì chung rượu ngày nay đâu cay đắng nỗi thương sầu.
Ngăn cách này ngàn thu vương sầu. Mai này vắng xa thương nhớ không nhòa. Thương kẻ đi xa lòng nặng mang bao niềm đau. Bà ơi tôi sẽ ra đi để đưa tiễn mùa thu vào trong một giấc mơ buồn bã. Rồi có chiều nào dừng chân nơi quán lạ thì xin bà hãy giành lại phút giây hoài niệm kẻ đăng trình.
Mây trắng bay lá rụng đầy sân vàng. Thương nhớ gì đâu nghe lòng vương sầu thương thiết tha. Vâng đó là nỗi thầm lặng xót xa mà tôi không bao giờ hờn trách, vậy thì xin Lý Hồng Miên đừng vội trách tôi là một kẻ vô tình.
Trời ơi đau đớn cho ta. Nàng đã xem ta như một kẻ ăn mày, cầm nén bạc trong tay mà giòng lệ tuôn rơi. Bà ơi tôi đứng đây để làm một kẻ bàng quan tiễn đưa cô dâu theo chồng về xứ lạ. Suốt đời tôi chưa có một lần hạnh phúc nên ao ước được nhìn xem một đám cưới qua đường.
Tôi với nàng tâm sự giống như nhau. Tôi cũng có lần dang dỡ tình yêu. Người ấy đã ra đi, đã quên những lời ước hẹn buổi sơ giao. Bà ơi nếu định mạng khắc khe tạo ra cho đời nhiều ngang trái, thì định mệnh cũng là hai tiếng nói nơi đầu môi chót lưỡi của kẻ đóng vai trò phản bội vong tình.
Thôi thôi cô ơi thiên đường xưa đã được dựng xây trong một trái tim nồng nàng hơi thở. Giờ đây cách trở xa xôi không còn gì nữa...
Hồn lỡ sa vào đôi mắt Em, chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm. Thầm ước nhưng nào đâu dám nói, khép tâm tư lại thôi, đường hoa vẫn chưa mở lối. Nhà anh cách nhà Em bởi một rào dậu thưa bốn mùa phơi nắng gió. Có những buổi hoàng hôn anh ngồi trên gác trọ, nhìn trộm sang Em đang phơi tóc ở… vuông… rào.
Ô, ô sáng hôm nay trên quê hương tôi Quê hương xinh xinh quê hương hữu tình Quê hương xinh xinh quê hương hòa bình Sáng hôm nay trên đường quê có một đám cưới rước dâu về thôn xóm khác. Cô dâu áo hồng khăn tía, chàng rể xinh xinh ôm chặt chiếc... khay... trầu.
Bà ơi xin hãy nhỏ vài giọt lệ khóc kẻ đi xa để tôi có chút hành trang làm bạn đồng hành mang đi xuốt quãng đường sớm tối
Em ơi ngày tháng năm xưa trong gió bảo nắng mưa tình không trọn vẹn đó là ngoài dự tính của đôi ta chứ anh biết rằng em không bao giờ vong tình lỗi hẹn thì giờ đây xin em hãy quên anh như quên một chiều vàng trong kỉ niệm để được an tâm khoác áo vu quy theo chồng lên kiệu hoa về bên ấy vì giờ đây anh chỉ là kẻ đứng bên vệ đường tiễn đưa kiệu hoa lần sau cuối rồi sẽ dấn thân vào trong gió bụi khi ánh tà dương vừa khuất dạng dưới chân đồi