Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021 vừa khép lại vào ngày 20-11-2022 (liên hoan bị hoãn 1 năm do dịch bệnh) với những dấu ấn đẹp. Trong phần phát biểu đánh giá chất lượng liên hoan, Nhà viết kịch (NVK) Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan, bên cạnh nêu những mặt tích cực cũng chỉ ra những điều đáng suy ngẫm.
NVK Nguyễn Sỹ Chức đã ví von liên hoan qua 5 năm mới lại diễn ra như một bữa tiệc thịnh soạn, đầy sơn hào hải vị. Nhưng, đâu đó vẫn còn những hạt sạn khiến bữa tiệc mất ngon.
Sân khấu cải lương đang đứng trước nhiều thách thức lẫn cơ hội trong đời sống hiện đại. Ðiều đó đòi hỏi các tác giả, đạo diễn sân khấu cải lương cần tiếp cận đời sống xã hội với một tâm thức mới, để biến thành chất liệu nghệ thuật. NVK Nguyễn Sỹ Chức cho rằng, cách thể hiện cải lương phải bằng thủ pháp mới, khác lạ hơn, chuyển tải được hơi thở đương đại, có như thế mới mong thu hút khán giả - một thế hệ khán giả trẻ và hiện đại.
Vở diễn “Sống mãi với non sông” của Nhà hát Tây Ðô tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021.
Với các tác giả trẻ, điều ai cũng biết là khi viết kịch bản bất kỳ loại hình sân khấu nào cũng cần có ý tưởng. Nhưng, nếu không có bối cảnh, kết cấu logic, phù hợp, không có tình tiết, sự biến hóa gây xung đột thì ý tưởng cũng chỉ là ý tưởng. NVK Nguyễn Sỹ Chức ví dụ trong một kịch bản cải lương tham gia liên hoan lần này, ý tưởng thông qua câu chuyện của người ông với cháu mình, gửi gắm thông điệp hãy nhớ một thời gian nan, vất vả của chiến tranh, bom đạn mà ông bà nội đã trải qua để biết quý trọng hòa bình, trân trọng truyền thống cha ông, là ý tưởng tốt. Nhưng, cách kể của biên kịch còn quá vụng, khiên cưỡng, không có xúc cảm.
Trong loại hình sân khấu kịch hát nói chung, cải lương nói riêng, khi diễn viên nói (thoại) mà không chuyển tải được tâm lý, cao trào thì sử dụng bài ca. Nhưng có những vở, diễn viên không có rung động, không dồn nén về xúc cảm, cũng không có cao trào mà cứ đưa bài ca vào, rất sống sượng. Việc áp dụng hệ thống bài bản tài tử vào cải lương chuẩn xác, có sự chắt lọc ngôn từ để bài ca đạt tới hiệu quả cao nhất, ít thấy ở các kịch bản tham gia liên hoan. “Không nên để nhân vật đụng đâu có đấy hoặc ca liên miên bất tận. Ðiều đó gây ra sự trì trệ về tiết tấu, cảm xúc, khiến vở diễn khó lòng thăng hoa cho được”, NVK Nguyễn Sỹ Chức nhấn mạnh.
Về công tác đạo diễn, NVK Nguyễn Sỹ Chức cho biết: Liên hoan vẫn còn nhiều vở diễn phô, việc xác định vấn đề, cấu trúc kịch bản và tổ chức mâu thuẫn, xung đột kịch chưa hiệu quả, lan man. Có vở diễn đã đến hồi kết thúc nhưng đạo diễn vẫn không kết thúc, cứ cố tạo thêm cảnh để diễn viên ca. Từ những ví dụ cụ thể, NVK Nguyễn Sỹ Chức nhấn mạnh thêm, khi đạo diễn xây dựng hành động của nhân vật, cần phải bắt nguồn từ cuộc sống. Hành động nhân vật thiếu tính điển hình, thiếu tính nghệ thuật, cứ nhàn nhàn, hoặc lên gân, sẽ gây khó chịu cho người xem.
Ðặc biệt, việc đạo diễn sử dụng công nghệ cao trong dàn dựng là điều tốt nhưng nhiều người đã quá lạm dụng, quên đi phương pháp tượng trưng, ước lệ của sân khấu truyền thống. Tương tự ở khâu thiết kế mỹ thuật sân khấu, nhiều vở quá lạm dụng màn hình led, làm mờ đi cảnh trí sân khấu, làm trì trệ cảm xúc diễn viên trước sự sáng chói quá đà của màn hình led. Và còn có tình trạng lạm dụng khói, ánh sáng, pa-nô di động... cũng là những điều nên rút kinh nghiệm và cần được tiết chế.
Cuối cùng, về lực lượng diễn viên tham gia liên hoan, NVK Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ lo âu khi “thiếu độ thanh xuân”, tỷ lệ diễn viên trẻ và diễn viên lớn tuổi có sự chênh lệch, nhất là tuyến vai chính. Ông dẫn chứng, nhiều nhân vật tuổi đời chừng 20 tuổi nhưng lại do các diễn viên ngoài 40 tuổi thủ diễn. Với các diễn viên trẻ tham gia liên hoan, nhiều người còn non nghề, rập khuôn và không diễn bằng chiều sâu tâm lý mà diễn bằng ngoại hình là chính. Dù đến với sân chơi chuyên nghiệp nhưng nhiều người còn ca chênh, phô, thậm chí rớt nhịp, có vở còn phải nhắc tuồng...
Những điều NVK Nguyễn Sỹ Chức nhận định không phải chỉ gói gọn trong liên hoan mà dường như cũng mở rộng ra sân khấu cải lương hiện nay. Nhìn lại để đi tiếp, đó là cách để bảo tồn cải lương trong bối cảnh hội nhập hôm nay.