Văn Thiên Tường là một bài bản thuộc hệ thống 20 bản tổ của hệ thống bài bản cải lương tài tử Nam Bộ, bài bản này thuộc hơi ai oán và được xếp vào thể loại Oán phụ (Oán biến thể) gồm 4 bài: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên và Xuân Nữ.
Nguồn gốc:
Văn Thiên Tường được cho là ra đời từ thế kỷ XIX - 19, do ông Trần Quang Thọ (ông cố của giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê), một nhạc công của triều đình Huế, vô cư ngụ tại đất Vĩnh Kim - Mỹ Tho.
Do thấy ông Thủ Khoa Huân bị Tây xử tử tại chợ Thân Trong, Mỹ Tho, ông Thọ cảm thấy hoàn cảnh nhà yêu nước Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) nổi lên chống giặc Pháp xâm lăng (trào vua Tự Đức), giống với hoàn cảnh của ông Văn Thiên Tường, một vị quan tiến sĩ trào Nam Tống (Trung Quốc), chống giặc Nguyên xâm lăng. Cả hai cuộc kháng chiến đều bị thất bại. Hai ông đều bị giặc bắt, bị tù đày và đến khi bị xử tử nhưng vẫn hiên ngang giữ tròn khí tiết.
Ông Trần Quang Thọ mới mượn cái tên của ông Văn Thiên Tường để tránh đi tai mắt của nhà cầm quyền thực dân Pháp mà đặt lời ca ngợi vị anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân của nước ta.
Tính chất:
Cũng giống như tính chất chung của các bài bản hơi ai oán, Văn Thiên Tường mang tính trần thuật, thổ lộ tâm tình, buồn ảo não và bi thương.
Ứng dụng:
Với tính chất buồn thảm và bi thương, Văn Thiên Tường được ứng dụng rất nhiều trong các tuồng cải lương, các bài vọng cổ thiên hướng bi ai. Có thể dễ nhận thấy Văn Thiên Tường xuất hiện trong một số trích đoạn nổi tiếng như: Đêm Lạnh Chùa Hoang, Tâm Sự Mai Đình (Hàn Mặc Tử).
Cấu trúc:
Vẫn đang có nhiều bàn cãi về cấu trúc của Văn Thiên Tường, nhưng về cơ bản Văn Thiên Tường gồm có 42 câu chia làm 3 lớp chính:
Lớp 1 (lớp nhứt, lớp đầu): Gồm 15 câu (từ câu 1 đến câu 15)
Lớp 2 (lớp nhì): Giống hoàn toàn lớp 1 (từ câu 16 đến câu 30)
Lớp 3: Gồm 12 câu. (từ câu 31 đến câu 42)
Trong 3 lớp chính, mỗi lớp sẽ bao gồm 2 lớp phụ là Lớp Dựng & Lớp Xế Xảng.
Vì thế, khi nghe đến bài bản Lớp Dựng hoặc là Lớp Xế Xảng thì ta mặc định hiểu nó là Văn Thiên Tường.
Lý giải cho việc lớp 1 và lớp 2 của Văn Thiên Tường giống hoàn toàn là lớp đầu nói về Văn Thiên Tường, một vị quan thời Nam Tống (Trung Quốc ) và lớp thứ hai nói về anh hùng Thủ Khoa Huân của chúng ta. Hai lớp giống nhau cũng như hai người giống nhau ở khí tiết anh hùng, dù bị giặc bắt, vẫn hiên ngang anh dũng hy sinh, quyết không khuất phục.