Có phải người nghệ sĩ ngày xưa đứng dưới trăng thu nghe tim mình rung cảm. Nên nắn phím so dây dạo lên khúc nhạc êm êm khi lướt nhẹ mấy cung... đàn.
Trong bài viết này, Lời Vọng Cổ sẽ giới thiệu những điều cơ bản về Câu 1 trong hệ thống Vọng Cổ 32 nhịp thông thường hiện nay.
Vọng cổ 32 nhịp hiện nay đầy đủ có 6 (sáu) câu, câu 1 là câu đầu tiên trong bài vọng cổ, và tỷ lệ xuất hiện của câu 1 là nhiều nhất trong các bài tân cổ, vọng cổ hiện nay. Nghĩa là đa số các bài vọng cổ, tân cổ đều có câu 1.
Cấu trúc của vọng cổ câu 1 như sau:
Lời Vọng Cổ sẽ lấy tác phẩm tân cổ Dòng Sông Quê Em của tác giả Huyền Nhung để làm ví dụ:
(Xuống vọng cổ)
“Từ buổi quen nhau em thường kể cho anh nghe chuyện màu xanh trên dòng sông Vàm Cỏ. Kỷ niệm quê hương hay tình em đó rồi năm tháng xa nhau như con sóng nhỏ... trong... lòng. Hò 16
Dòng nước trong xanh soi ánh trăng rằm. Hò 20
Mấy mươi năm sông cùng ta ra trận,
là bấy nhiêu lần chở nặng chiến công. Xê 24
Dòng sông quê hương lớn lên trong bom gầm pháo dội. Xang 28
Nắng dãi mưa dầu có tình mẹ chắt chiu,
dòng sông tôi yêu chờ nhiều nhung nhớ. Cống 32 ”
Khuôn được tính là 4 nhịp trong một câu vọng cổ, chữ cuối của mỗi khuôn được lấy làm tên của khuôn đó. Đối với vọng cổ câu 1, 16 nhịp đầu thường sẽ loại bỏ vì trước khi vào câu 1 thường sẽ “xuống vọng cổ”. Đoạn xuống vọng cổ này có thể coi là đại diện của 16 nhịp đầu. Tất nhiên xuống vọng cổ thì không phân biệt dài hay ngắn, miễn sao chữ cuối cùng của đoạn xuống vọng cổ phải là chữ có dấu “huyền”.
Ví dụ:
“Từ buổi quen nhau em thường kể cho anh nghe chuyện màu xanh trên dòng sông Vàm Cỏ.
Kỷ niệm quê hương hay tình em đó rồi năm tháng xa nhau như con sóng nhỏ... trong... lòng.”
Trích: Dòng Sông Quê Em - Tân Cổ - Huyền Nhung
Chữ “lòng” dấu huyền là bắt đầu nhịp 16. Trong câu 1, người ca không cần quan tâm nhịp thứ 16 vì khi kết thúc đoạn xuống vọng cổ là người đàn sẽ tự bắt đầu nhịp 16 để bắt đầu sang khuôn Hò 20.
Khuôn Hò 20 (từ nhịp 17 đến nhịp 20) thông thường sẽ có 1 câu văn ngắn. Vì chỉ có 1 câu văn ngắn nên sẽ nghỉ 2 nhịp đầu sau khi xuống vọng cổ và bắt đầu ca từ nhịp thứ 18.
Lưu ý, 1 câu văn ngắn chỉ là đa số, cũng có một số trường hợp câu văn dài hoặc người ca muốn luyến láy thì có thể vào trước nhịp 18. Miễn sao kết thúc câu văn đúng vào nhịp 20 là được.
Và một điều quan trọng, hầu hết chữ kết thúc ở khuôn Hò 20 là chữ có dấu huyền. Tuy nhiên, vẫn có một số (rất ít) tác phẩm chữ kết thúc ở khuôn Hò 20 là chữ thanh ngang (không dấu).
Khuôn Xê 24 (từ nhịp 21 đến nhịp 24) thông thường sẽ có 2 câu văn, người ca sẽ ca đều đều sao cho hết lời ca thì phải khớp với nhịp 24. Ở nhịp 24 của câu 1 sẽ được gõ Song Lang để dễ xác định.
Tuy nhiên, ở khuôn Xê 24 không nhất thiết khi hết lời ca phải đúng vào nhịp 24, có thể kết thúc sớm hơn hoặc muộn hơn.
Khuôn Xang 28 (từ nhịp 25 đến nhịp 28) cấu trúc và tính chất tương tự khuôn Xê 24, chỉ có điều không có Song Lang ở nhịp 28.
Khuôn Cống 32 (từ nhịp 29 đến nhịp 32) đây là khuôn kết thúc (dứt) câu 1, bắt buộc khi hết lời ca phải đúng vào nhịp 32, và chữ cuối cùng phải mang dấu sắc, dấu hỏi, hoặc dấu ngã.
Trên đây Lời Vọng Cổ đã giới thiệu Câu 1 trong hệ thống vọng cổ 32 nhịp hiện nay, nội dung trên là áp dụng cho đa số các trường hợp thông thường của câu 1.
Trong thực tế hiện nay, cũng có rất nhiều trường hợp câu 1 được cải biên, không theo quy tắc trên. Ví dụ:
Sau khi xuống vọng cổ ở Hò 16 có thể vào ngay Vọng Kim Lang sau đó quay về lại các khuôn tiếp theo.
Sau khi ca hết Hò 20 có thể bỏ qua 2 khuôn Xê 24 và Xang 28, thay bằng 1 bài bản bất kỳ sau đó quay về lại khuôn 32 để dứt câu 1.
Thông thường trước khi vào câu 1 sẽ là Tân Nhạc đối với các bài tân cổ, đối với các bài vọng cổ, trước khi vào câu 1 sẽ là Ngâm Thơ, Ngâm Hò, Nói Lối hoặc các bài bản như Vọng Kim Lang, Lý Con Sáo, Lưu Thủy Hành Vân,...
Đang cập nhật bản ký âm của bài bản Vọng Cổ (Câu 1)
Có phải người nghệ sĩ ngày xưa đứng dưới trăng thu nghe tim mình rung cảm. Nên nắn phím so dây dạo lên khúc nhạc êm êm khi lướt nhẹ mấy cung... đàn.
Rồi thì sáo cũng sang sông. Bỏ trong dĩ vãng tấm lòng mồ côi. Bạc Liêu cùng với qua mùi. Nhớ thương em bậu khóc mùi một phen. Thương nhớ nhau, nhớ người tình trong tất dạ, bậu mình ơi em khắc ghi lời ca tiếng hờn. Hẹn hò nhau mong kiếp sau mình còn gặp gỡ, cau với trầu tươi thắm màu mối duyên nồng say.
Tội cho con lắm ngoại ơi con nào dám đâu nghĩ vậy, mẹ sinh con ra là con gái nên tính nết trầm ngâm nhưng nội, ngoại con vẫn thương... đồng.
Lâu lắm rồi tôi mới trở lại Kiên Giang. thăm Rạch Giá quê em trong những ngày mưa biển. Hạt mưa bay gợi lòng tôi xao xuyến
Lan ơi kẻ ở người đi làm sao lòng không vương vấn. Chốn đô thành đầy xa hoa cám dỗ nhưng đâu dễ làm mờ mắt chàng trai quê mùa chất phác đã có...
Trăng sắp tàn đông hai phương trời ly biệt, anh ở tôi đi cách biệt hai... miền. Rựu cạn ly đừng khổ lụy ưu phiền.
Gió lên lay động, hoa bằng lăng thướt tha. Hoa diễm kiều, hoa mặn mà. Màu hoa tươi thắm lắm hoa ơi. Cũng như câu chuyện tình ta ngát hương. Con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu. Con sáo qua sông con sáo đậu… hiên... nhà.
Này bạn thân ơi! Số kiếp nhân sinh chỉ là cõi tạm trần gian... Vọng Cổ Câu 1: Ôi kiếp sống trần gian nổi trôi theo dòng đời nghiệt ngã...
Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Trời giá lạnh một mình lang thang trên hè phố vắng. Tôi đi tìm ai mà tâm tư trĩu...
Ga nhỏ đêm nay vắng bóng hình ai nên gió heo mây càng thêm rét mướt. Bóng nhỏ bơ vơ thẫn thờ đếm bước, trời đất vào thu lướt thướt sương... gầy.